watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Zarathustra đã nói như thế-- 71 - - tác giả Friedrich Nietzsche Friedrich Nietzsche

Friedrich Nietzsche

- 71 -

Tác giả: Friedrich Nietzsche

Zarathustra lại cất bước chạy, chạy mãi, nhưng hắn không còn gặp một ai nữa, hắn cô thân độc ảnh và tự tìm gặp lại mình, hưởng thụ sự cô đơn, nếm nhắp sự cô đơn đó và nghĩ đến những điều tốt đẹp suốt mấy giờ liền. Nhưng vừa lúc chính ngọ, khi mặt trời ở đúng ngay trên đỉnh đầu, Zarathustra đi ngang qua trước một cây cổ thụ uốn mình cong queo sần sùi có đốt, được ôm siết bốn bên bằng tình yêu tràn trề của một gốc nho, đến độ chính vì thế người ta không nhìn thấy được thân cây: từ cây cổ thụ ấy, treo lủng lẳng vô vàn những chùm nho vàng mọng hiến dâng cho lữ khách qua đường. Lúc bấy giờ, Zarathustra có ý muốn làm dịu cơn khát nhẹ mơn trên đầu lưỡi bằng cách hái một chùm nho. Nhưng khi Zarathustra đã vươn tay ra rồi, lòng hắn lại nổi lên một ước vọng khác, mãnh liệt hơn: ước vọng được nằm dài ngủ dưới gốc cây trong buổi chính ngọ của đất trời.
Đấy là điều mà Zarathustra đã làm, và khi Zarathustra đã nằm dài trên mặt đất, trong nỗi lặng im tịch mịch cùng niềm bí ẩn của cỏ dại muôn màu, thì hắn đã quên đi cơn khát nhẹ và thiu thiu ngủ. Bởi vì, như một câu châm ngôn của Zarathustra đã bảo: “Có việc cần thiết hơn việc khác”. Tuy nhiên, đôi mắt Zarathustra vẫn mở lớn, vì hắn không chán chiêm ngưỡng và ngợi ca thân cây cổ thụ cùng tình yêu của gốc nho. Nhưng trong khi ngủ, Zarathustra tự nhủ với lòng mình như sau:
“Im lặng! Im lặng! Thế giới há chẳng vừa thành tựu đấy sao? Việc gì đang xảy đến cho ta đây?
Như một ngọn gió ngạt ngào vô hình vô ảnh đang khiêu vũ trên biển cả gợn sóng lăn tăn, nhẹ nhàng hiu hắt như một chiếc lông chim: cũng thế, giấc ngủ đang khiêu vũ trên ta.
Giấc ngủ không khép mắt ta lại, giấc ngủ để linh hồn ta tỉnh thức. Thực ra, giấc ngủ nhẹ nhàng hiu hắt như một chiếc lông chim.
Giấc ngủ đang thuyết phục ta, ta không biết là thế nào; giấc ngủ chạm đến ta từ bên trong bằng một bàn tay mơn vuốt, giấc ngủ đang bức bách ta. Ừ, nó đang bức bách ta, đến độ linh hồn ta mở rộng;
- linh hồn kỳ lạ của ta duỗi dài ra, mệt mỏi vô cùng! Đêm tối của ngày thứ bảy đã đến với linh hồn ta giữa khi chính ngọ chăng? Linh hồn ta đã lang thang quá lâu trong miền vĩnh phúc, giữa những điều tốt lành đang chín tới?
Linh hồn ta duỗi rộng dài ra, dài ra mãi! Linh hồn kỳ lạ của ta đã ngủ giấc bình yên. Nó đã nếm nhắp nhiều sự việc tốt đẹp lắm rồi, nỗi buồn rầu óng vàng này đang đè ép nó, linh hồn ta nhăn nhó mặt mày.
Như một chiếc thuyền đã vào trong vịnh biển yên tịnh nhất, giờ đây linh hồn ta đang áp lưng vào mặt đất, mỏi mệt vì những chuyến hải hành xa thẳm cùng những biển cả bất trắc khôn lường. Mặt đất há chẳng trung thành hơn sao?
Như một chiếc thuyền cặp bờ hầu như mơn nhẹ vào lòng đất - và lúc bấy giờ, chỉ cần một con nhện giăng tơ từ đất liền ra đến chiếc thuyền im bóng; chẳng cần đến sợi dây nào kiên cố hơn;
Như một chiếc thuyền mệt nhoài nằm im trong vịnh biển yên tịnh nhất, cũng thế, giờ đây ta đang yên nghỉ gần đất liền, trung thành, tín cẩn và trong niềm chờ đợi, được buộc chặt với đất liền bằng những sợi dây mong manh phiếu diểu nhất.
Ồ, hạnh phúc! ồ, hạnh phúc! Hỡi linh hồn ta, có gì mà mi không hát ca chứ? Mi đang yên nghỉ giữa lòng cỏ dại. Nhưng bây giờ là giờ phút bí mật và long trọng, giờ phút mà chẳng có kẻ chăn chiên nào vi vu tiếng sáo.
Hãy coi chừng! Buổi ngọ thiên thiêu đốt đang ngủ yên trên những đồng cỏ. Đừng ca hát! Hãy im lặng! Thế giới đã tựu thành.
Hỡi linh hồn ta, con chim miền đồng cỏ, đừng ca hát! Và cũng đừng thì thào khe khẽ nữa! Hãy nhìn kia - im lặng! Buổi chính ngọ già nua ngàn kiếp đang ngủ yên, buổi chính ngọ đang nhếch môi động miệng: vào giờ phút này, nó há chẳng đang uống lấy một giọt hạnh phúc, một giọt nâu sạm cổ xưa của thứ hạnh phúc óng vàng, của thứ rượu vàng óng? Hạnh phúc đẹp tươi của nó đang vụng trộm lướt đến bên mình. Một vị thần cũng cười tươi như thế là cùng. Im lặng!
- “Hạnh phúc! Phải có ít thứ dường nào để có đủ hạnh phúc!” Xưa kia ta đã nói như thế và tưởng rằng mình khôn ngoan trí huệ. Nhưng đấy chính là một sự báng bổ; giờ đây ta đã học biết được điều ấy. Những kẻ điên cuồng trí huệ nói bằng một ngôn ngữ tốt đẹp hơn nhiều.
Hạnh phúc là cái gì bé nhỏ nhất, im lặng nhất, nhẹ nhàng hiu hắt nhất, tiếng xào xạc của một con thằn lằn bò trong cỏ dại, một hơi thở, một sự trườn lướt, một cái nháy mắt - điều chẳng quan hệ gì lại tạo thành hạnh phúc tuyệt vời nhất. Im lặng!
Chuyện gì đã xảy đến cho ta? Hãy lắng nghe! Thời gian đã chạy trốn rồi chăng? Ta đã không té ngã?… Hãy lắng tai! Ta đã không bị té ngã vào cái giếng sâu của thiên thu vĩnh cửu đấy sao?
Chuyện gì đang xảy đến cho ta?... Im lặng! Ta đã bị đánh trúng vào quả tim? Hỡi ôi!… Đúng vào quả tim! Ồ, hỡi quả tim ta ơi, hãy vỡ tan, hãy vỡ tan thành từng mảnh sau một hạnh phúc như thế, sau một cú đánh như thế!
Sao? Thế giới chẳng vừa thành tựu đấy sao? Tròn đầy và chín mọng? Ôi! Quả cầu tròn mượt óng vàng[1] - quả cầu sẽ bay bổng về đâu? Có phải ta đang chạy đuổi theo sau nó! Suỵt!
Im lặng -” (vào lúc đó, Zarathustra vươn vai duỗi thân và cảm thấy rằng mình đang nằm ngủ). Zarathustra tự bảo:
“Đứng dậy, đồ mê ngủ! Đồ lười biếng ngủ ngày![2] Nào, đứng lên đi, hỡi đôi chân già lão! Đến giờ rồi, đã đúng giờ rồi! Mi còn phải vượt qua bao quãng đường dài nữa.
Mi đã ngủ nghê thả cửa, trong bao nhiêu lâu rồi? Trong một nửa thiên thu! Nào, bây giờ đứng dậy đi thôi, hỡi quả tim già lão của ta. Sau một giấc ngủ miệt mài như thế, phải cần có bao nhiêu thời gian để đánh thức mi dậy?”
(Nhưng Zarathustra đã thiếp ngủ trở lại và linh hồn hắn cưỡng kháng tự vệ và lại dàn trải rộng ra). - “Hãy để ta yên! Im lặng! Thế giới chẳng vừa thành tựu đấy sao? Ô! Quả cầu tròn mượt óng vàng đó!”
“Đứng lên đi, tên trộm vặt, đồ lười biếng![3] Zarathustra bảo. Sao? Cứ vươn tay duỗi chân, ngáp dài, rơi té xuống đáy những cái giếng sâu mãi hay sao? Mi là ai thế? Hỡi linh hồn ta!” (Vào lúc đó, Zarathustra hoảng kinh vì một tia sáng mặt trời rớt từ trên cao xuống ngay mặt hắn). Zarathustra thở dài, ngồi dậy:
“Hỡi trời xanh trên đầu ta, mi đang nhìn ta đấy à? Mi đang lắng nghe linh hồn kỳ lạ của ta?
Khi nào mi sẽ uống lấy giọt sương đã rơi trên tất cả mọi sự vật trần gian? Khi nào mi sẽ uống lấy linh hồn kỳ lạ này?
Hỡi giếng sâu của thiên thu vĩnh cửu! Hỡi hố thẳm hoan say kinh hãi của buổi ngọ thiên! Khi nào mi sẽ hút lấy linh hồn ta vào trong sâu thẳm của mi?”

Zarathustra đã nói như thế, rồi hắn đứng dậy khỏi chỗ nằm dưới gốc cây cổ thụ, như thể đứng dậy khỏi một cơn say cuồng kỳ lạ, và ô kìa, mặt trời vẫn còn nằm trên đỉnh đầu hắn. Căn cứ vào sự kiện đó, người ta có thể kết luận một cách hợp lý rằng ngày hôm đó Zarathustra đã thiếp ngủ chẳng được bao lâu.








[1] “Ôi! Quả cầu tròn mượt óng vàng”, thực ra phải dịch là “chiếc vòng tròn mượt ửng vàng” vì ở đây Nietzsche chơi chữ với chữ Reif (danh từ): chiếc vòng, và reif (tính từ): chín vàng. Dịch là quả cầu để nhắc đến quả đất, nhưng vẫn không quên ý nghĩa của vòng tròn .
[2] và [3] “Đồ lười biếng ngủ ngày!” dịch chữ Tagedieb : kẻ lười biếng nhác nhớm; phân tích nghĩa đen, Tagedieb còn có nghĩa “kẻ ăn trộm giờ giấc ban ngày”.
Zarathustra đã nói như thế
Giới thiệu
Phần một - 1
- 2 -
- 3 -
- 4 -
- 5 -
- 6 -
- 7 -
- 8 -
- 9 -
- 10 -
- 11 -
- 12 -
- 13 -
- 14 -
- 15 -
- 16 -
- 17 -
- 18 -
- 19 -
- 20 -
- 21 -
- 22 -
- 23 -
PHẦN THỨ HAI - 24 -
- 25 -
- 26 -
- 27 -
- 28 -
- 29 -
- 30 -
- 31 -
- 32 -
- 33 -
- 34 -
- 35 -
- 36 -
- 37 -
- 38 -
- 39 -
- 40 -
- 41 -
- 42 -
- 43 -
- 44 -
- 45 -
PHẦN THỨ BA - 46 -
- 47 -
- 48 -
- 49 -
- 50 -
- 51 -
- 52 -
- 53 -
- 54 -
- 55 -
- 56 -
- 57 -
- 58 -
- 59 -
- 60 -
- 61 -
PHẦN THỨ TƯ - 62 -
- 63 -
- 64 -
- 65 -
- 66 -
- 67 -
- 68 -
- 69 -
- 70 -
- 71 -
- 72 -
- 73 -
- 74 -
- 75 -
- 76 -
- 77 -
- 78 -
- 79 -
- 80 -
- 81 -
PHỤ LỤC
Chú thích của người dịch